Xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được coi là cái nôi của cách mạng Việt Nam, bởi nơi đây gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giai đoạn 1941-1945. Đặc biệt là địa điểm Pài Co Nhản - nơi thành lập Đội du kích Pác Bó.
Pài Co Nhản có nghĩa là Bãi cây nhãn nằm ở lưng chừng núi thuộc địa phận xóm Pác Bó. Khu vực Pài Co Nhản là một bãi ruộng bằng phẳng, được bao quanh bởi các ngọn núi cao. Từ đây có thể quan sát được một vùng rộng lớn về phía làng Pác Bó, nhưng từ ngoài thì khó có thể nhận biết được, chỉ có người dân địa phương thông thạo địa hình mới biết vị trí khu vực Pài Co Nhản. Ngay phía dưới bãi còn có Trạm gác an ninh số 3 được các đoàn thể cứu quốc tại Pác Bó thay phiên canh gác để đảm bảo bí mật cho các hoạt động cách mạng khu vực đầu nguồn suối Lê Nin thời bấy giờ. Qua tìm hiểu tài liệu và những câu chuyện trong hồi ký của một số tác giả, tôi đã có một số hiểu biết về điểm di tích Pài Co Nhản và phần nào hiểu được mục đích thành lập cũng như nhiệm vụ của Đội du kích Pác Bó đối với phong trào cách mạng Việt Nam.=
Di tích Pài Co Nhản - Nơi thành lập Đội du kích Pác Bó
Sự kiện lịch sử này xảy ra đã hơn 80 năm. Vào mùa đông năm 1941, tại Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Lê Thiết Hùng thành lập một đội vũ trang tập trung mang tên Đội du kích Pác Bó.
Thực hiện chỉ thị của Bác, tháng 11/1941, lễ thành lập Đội du kích Pác Bó đã được cử hành. Trong cuốn hồi ký Bác Hồ với Đội du kích Pác Bó, đồng chí Lê Quảng Ba kể lại: “Ngày thành lập đội du kích chúng tôi, đội du kích đầu tiên của phong trào cách mạng Cao Bằng do Bác trực tiếp tổ chức và chỉ đạo rất đơn giản. Không có hội trường, không có diễn văn, không có cờ hoa và cũng không có khách mời. Nơi làm lễ đồng thời cũng là thao trường ở trên đám ruộng to có tên gọi Pài Co Nhản ở đằng sau lán…”. Hôm ấy, Đồng chí Lê Quảng Ba được phân công đi đón Bác từ sớm, còn đồng chí Lê Thiết Hùng thì tập hợp cả đội. Lúc Bác đến đội viên đã đông đủ, quần áo chỉnh tề. Bác mặc bộ quần áo Nùng, đầu trần, khăn quàng cổ, đi giày vải địa phương. Theo sau Bác, ngoài đồng chí Lê Quảng Ba còn có đồng chí Hoàng Văn Lộc bảo vệ. Sau khi hàng ngũ ngay ngắn, Bác căn dặn các đồng chí về vai trò, nhiệm vụ và tính chất của Đội du kích Việt Minh đầu tiên. Nhiệm vụ của Đội là bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt nối liền cơ quan đầu não tại Pác Bó với Đảng bộ Cao Bằng tại Lam Sơn, vũ trang tuyên truyền trong quần chúng và huấn luyện tự vệ chiến đấu ở địa phương; làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này. Trước khi ra về, Bác đưa cho các đồng chí một tập giấy ghi mười điều kỷ luật của Đội và những nguyên tắc xây dựng và hoạt động của Đội. Đồng chí Lê Thiết Hùng thay mặt toàn Đội hứa với Bác sẽ thực hiện tốt lời dạy của Người và học tập tốt trong đợt huấn luyện này.
Ngày thành lập Đội du kích đầu tiên ở Pác Bó đơn giản nhưng rất trang nghiêm và xúc động. Bác đã đến dự lễ thành lập và ân cần chỉ bảo Đội ngay từ giai đoạn ban đầu. Bác đã đích thân duyệt kế hoạch tổ chức và huấn luyện, tự tay thảo ra mười điều kỷ luật và những nguyên tắc xây dựng và hoạt động của Đội. Đội gồm 12 đội viên do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng, đồng chí Hoàng Sâm làm đội phó, chính trị viên là đồng chí Lê Thiết Hùng. Đội có duy nhất đồng chí Nông Thị Trưng là nữ. Trang bị của Đội rất đơn giản. Toàn Đội có sáu súng ngắn, sáu súng trường. Đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm mang poọc-hoọc, đồng chí Lê Thiết Hùng và Nông Thị Trưng mang súng ổ quay, các đồng chí Đức Thanh, Thế An mang súng lái, đồng chí Bằng Giang và Bế Sơn Cương mang súng trường Pháp, đồng chí Tống Dề và Nông Văn Chủng mang súng trường Nhật, Quang Hưng và Sĩ Cương có súng kíp. Ngay sau lễ thành lập, buổi huấn luyện đầu tiên của Đội đã bắt đầu rất hào hứng. Sau khi lớp huấn luyện bế mạc, chấp hành chỉ thị của Bác: “Huấn luyện xong trong một tuần rồi đưa đội đi hoạt động ngay”, Đội du kích đã phấn khởi lên đường.
Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó
Trên thực tế, Đội du kích Pác Bó có hai thời kỳ hoạt động rõ rệt: thời kỳ tập trung và thời kỳ phân tán. Thời kỳ tập trung bắt đầu từ sau khi kết thúc huấn luyện đến khoảng cuối tháng 3/1942. Sau hơn 4 tháng hoạt động, qua tổng kết, nhận thấy hình thức vũ trang tuyên truyền là một hình thức hoạt động phù hợp với trình độ và khả năng của Đội du kích nên đạt được kết quả tốt. Công tác vũ trang tuyên truyền của Đội làm cho nhân dân hiểu và thêm tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh phong trào mua sắm vũ khí trong cán bộ và nhân dân để giữ nhà chống phỉ và bảo vệ cơ sở. Công tác vũ trang tuyên truyền của Đội làm hàng ngũ lý dịch phân hóa nhanh, số đã đi theo Việt Minh thì càng tin tưởng hăng hái hoạt động, một số lừng khừng thì dứt khoát ngả hẳn theo ta, những tên lý dịch phản động đã bớt hung hăng. Đội du kích hoạt động với danh nghĩa Việt Minh làm cho bọn phỉ nội địa co lại và bọn phỉ khét tiếng vùng biên giới Trung Quốc không dám sang cướp phá khu căn cứ địa của Việt Minh.
Trong thời gian Đội du kích Pác Bó hoạt động tập trung, phong trào Việt Minh ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình ngày càng mở rộng, cán bộ và cốt cán ở một số địa phương đã trưởng thành, Đội đã được trang bị thêm một số súng ống, số hội viên tham gia tự vệ cũng tăng thêm. Mặt khác, qua rèn luyện thực tế Đội đã có tiến bộ, không những có khả năng huấn luyện quân sự và chính trị mà còn có thể tổ chức lãnh đạo và chỉ huy một đội du kích nhỏ. Tuy nhiên, tình hình lúc này chưa cho phép tổ chức các cuộc chiến đấu vũ trang đánh vào các bốt dõng hay đội quân tuần tiễu của địch, nếu tiếp tục vũ trang tuyên truyền như trước thì tác dụng của Đội cũng hạn chế vì có thể mở rộng phong trào nhưng không củng cố kịp. Cuối cùng, cả Đội đã thống nhất phân tán đội viên đi làm nòng cốt tổ chức các đội vũ trang châu - bắt đầu thời kỳ đội hoạt động phân tán, từ quý II năm 1942 đến giữa năm 1943.
Thời kỳ hoạt động phân tán, Đội du kích đã có được những kết quả tốt như: xây dựng được ba đội vũ trang châu và một số đội vũ trang tổng ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình; xây dựng được nhiều đội tự vệ chiến đấu xã và mở rộng phong trào tự vệ xã, mở được hai lớp đào tạo cán bộ quân sự cho các châu tổng khác và cho tỉnh. Đến khoảng cuối tháng 6/1943, các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm và Lê Thiết Hùng đều đi nhận nhiệm vụ mới, Đội du kích Pác Bó chấm dứt sự tồn tại, hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao phó. Tuy thời gian tồn tại của đội chỉ hơn một năm, nhưng đội đã là nòng cốt trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của phong trào cách mạng Cao Bằng.
Sau khi tham quan di tích Pài Co Nhản và tìm hiểu về Đội du kích Pác Bó, tôi nhận thấy, mặc dù là một đội quân còn hạn chế về đội viên, trang bị vũ khí thô sơ, thời gian hoạt động ngắn nhưng Đội du kích Việt Minh đầu tiên ở Pác Bó đã có những đóng góp không nhỏ cho phong trào cách mạng của tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung. Sự ra đời và hoạt động của Đội du kích Pác Bó chính là những kinh nghiệm và bài học quý báu, là tiền đề cho việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này.
Sự kiện thành lập Đội du kích Pác Bó đã phản ánh tư tưởng quân sự, sự sáng suốt, đúng đắn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi xây dựng một đội quân làm nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Ngày nay, địa điểm Pài Co Nhản gắn với sự kiện thành lập Đội du kích Pác Bó đã trở thành một trong những điểm di tích quan trọng tại quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Nơi đây không chỉ là nhân chứng lịch sử, mà còn là địa điểm để giáo dục chúng ta về bài học tập hợp, xây dựng lực lượng trong một mặt trận đoàn kết thống nhất, cũng như nhắc nhở đến các thế hệ người dân Việt Nam luôn tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc./.